Không lấy đất nông nghiệp cấp cho dự án điện mặt trời

Tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo không được lấy đất nông nghiệp để làm dự án điện mặt trời. Ngoài ra, tỉnh này chủ trương đầu tư phải có lộ trình rõ ràng và không cấp dự án ồ ạt

Hiện nay có khoảng 14 doanh nghiệp đang xin đầu tư dự án điện bằng năng lượng mặt trời  vào tỉnh Khánh Hòa, với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, đưa tỉnh này vào danh sách những địa phương thu hút đầu tư điện gió vào loại lớn của cả nước sau Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận…

Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức đoàn khảo sát các dự án xin đầu tư làm điện mặt trời tại TP Cam Ranh. Ông Trương Tam, Trưởng phòng Quản lý Năng lượng – Sở Công Thương Khánh Hòa cho biết, việc phát triển năng lượng mặt trời sẽ giúp giảp áp lực lên thủy điện, nhiệt điện.

Hiện tài nguyên thủy điện ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng hầu như đã cạn kiệt. Bên cạnh đó thủy điện đang là vấn đề nhức nhối về môi trường khi rừng bị tàn phá dẫn đến lũ lụt, thiên tai liên miên. Ngoài thủy điện, nhiệt điện cũng không được nhiều nước mặn mà vì ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng. Còn điện gió thì phập phù không ổn định, giá thành cao.

lazada-den-nang-luong-mat-troi-1

 

Theo Sở Công Thương Khánh Hòa, qua khảo sát, hiện ở TP Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày. Trong đó, 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây có mức độ bức xạ đo được còn cao hơn nhiều và đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, khu vực TP Cam Ranh có các điều kiện về địa lý, nắng nhiều, vùng đất dự kiến đầu tư đa số là đất đai hoang hóa, gần khu vực đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia… “Đó là những yếu tố tuyệt với để đầu tư, xây dựng điện mặt trời ở khu vực này”, ông Tam chia sẻ.

Theo Sở Công Thương Khánh Hòa, từ cuối năm 2015 đến nay đã có 14 nhà đầu tư xin làm dự án điện mặt trời, trong đó tại TP Cam Ranh có 10 dự án và UBND tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương cho 2 dự án.

Cụ thể, Công ty CP Khai thác Thủy điện Sông Giang (Khánh Hòa) sẽ đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 60MWp/năm tại thôn Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông) và thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) với diện tích dự kiến khoảng 60,7ha.

Dự án thứ 2 là của Công ty CP Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân (TP Hồ Chí Minh) tại thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) với tổng công suất 10MWp/năm, tổng vốn đầu tư 401,4 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện 10,6ha.

Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng xin vào đầu tư dự án điện mặt trời ở Cam Ranh như, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, đầu tư nhà máy có công suất khoảng 50MWp/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.904 tỷ đồng, tổng diện tích dự án khoảng 95ha. Công ty CP Đầu tư Công nghiệp – Xây dựng Hà Nội đầu tư nhà máy công suất 300MWp/năm. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.650 tỷ đồng. Công ty CP Xuân Trường Ninh Bình đầu tư nhà máy với quy mô lên đến 500ha.…

Theo ông Trương Tam, thời gian quan Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND TP Cam Ranh và ngành điện lực khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, xác định vị trí tại địa bàn xã Cam Thịnh Tây và Cam Thịnh Đông.

“Các dự án sẽ được xem xét, áp dụng các tiêu chí của Bộ Công Thương để đánh giá, nếu khớp các tiêu chí quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất sản xuất và phù hợp với điều kiện ở Cam Ranh thì mới chấp thuận trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Tam nói.

Về các dự án điện mặt trời ở Cam Ranh, ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, trong quá trình tham mưu để phê duyệt các dự án, các cơ quan, ban ngành liên quan tuyệt đối không được lấy đất đang sản xuất hiệu quả để cấp cho nhà đầu tư.

“Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đã được chấp thuận. Tuy nhiên, các ban ngành của tỉnh cũng như nhà đầu tư phải cam kết hỗ trợ người dân bị thu hồi đất. Đồng thời, phải làm các báo cáo cần thiết, nhất là đánh giá tác động môi trường cẩn trọng để không ảnh hưởng về sau”, ông Hải nói.

Vị phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng khuyến cáo, điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, nhưng muốn bền vững cũng phải có lộ trình, quy hoạch rõ ràng. Nhất là tránh đầu tư ồ ạt, nhưng hiệu quả lại không cao.

1_1719977

Theo các nhà đầu tư, năng lượng mặt trời sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giảm áp lực cung cấp điện trong giờ cao điểm tại Việt Nam từ 9h30 đến 11h30.

Nhưng nếu so sánh, giá mua điện mặt trời được đề xuất lại thấp hơn giá mua điện từ các nhà máy thủy điện cỡ nhỏ trong giờ cao điểm (hiện ở mức 12,38 US cent/kWh). Mức giá này cũng còn thấp hơn giá mà EVN bán lẻ cho khách hàng dùng điện cao thế trong giờ cao điểm (trung bình là 14,4 US cent/kWh).

Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bản dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, cũng như cơ chế về giá. Theo các nhà đầu tư, nếu được phê duyệt đây sẽ là “cú hích” hỗ trợ thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở Việt Nam trong tương lai gần.

Nguồn: News.zing.vn