Kiến nghị nâng cấp Ban chỉ đạo ngầm hóa hiện nay lên cấp Thành phố, do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo, để TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, trung tâm hành chính huyện, các Khu đô thị mới, khu công nghiệp.
Các tập thể và cá nhân đón nhận HCLĐ hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch Nước.
Kiến nghị trên của ông Phạm Quốc Bảo – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) tại hội nghị sơ kết ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin trên địa bàn Thành phố sáng ngày 4/6 tại hội trường EVN HCMC.
Điểm nhấn quan trọng hơn, Ban chỉ đạo ngầm hóa còn kiến nghị giao Sở Giao thông Vận tải là đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo cơ chế một cửa trong công tác thỏa thuận tuyến, vị trí trồng trụ, lắp đặt thiết bị, cấp phép thi công, đồng thời làm đầu mối tổ chức thăm dò công trình ngầm bằng máy dò chuyên dụng tại các tuyến đường theo kế hoạch ngầm hóa lưới điện và dây thông tin.
Về công tác thỏa thuận phương án, thẩm tra thiết kế, kiến nghị rút ngắn thời gian thẩm tra thiết kế hoặc xem xét cho Tổng Công ty chủ động phê duyệt và triển khai thực hiện theo thiết kế mặt cắt công trình đã được Sở Giao thông vận tải phê duyệt.
Về xã hội hóa đầu tư và huy động vốn đầu tư, kiến nghị Chủ đầu tư các công trình giao thông có trách nhiệm đầu tư hệ thống mương, hào kỹ thuật để bố trí lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo quy định; ban hành các chính sách hỗ trợ để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hoặc triển khai hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) trong việc đầu tư hệ thống mương, hào kỹ thuật để cho thuê bố trí ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin.
Theo báo cáo sơ kết ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin trên địa bàn thành phố của Ban chỉ đạo ngầm hóa, thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện từ năm 2003 – 2005, EVN HCMC đã tiến hành thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường chính như Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi. Việc làm này được dư luận đánh giá cao, song do chỉ ngầm hóa lưới điện, chưa ngầm hóa được dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng “mạng nhện” vẫn ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan Thành phố.
Trong hai năm 2009 – 2010, Tổng công ty đã tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa thí điểm lưới điện kết hợp dây thông tin tại một số khu vực trung tâm Thành phố, như: khu vực xung quanh Hội trường Thành phố, chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Việc làm này đã đem lại hiệu quả rõ nét, việc cung ứng điện an toàn hơn, không gian thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị.
Từ thành quả ban đầu này, ngành điện lực đã triển khai xây dựng đề án “Ngầm hóa lưới điện TP. Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” và được Thành phố phê duyệt.
Theo đó, đến năm 2015, tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế trên các tuyến đường và các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch; năm 2020 cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành; đến năm 2025 cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi toàn thành phố.
Tính đến nay, toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa tăng từ 25% lên 28% lưới điện trung thế và tăng từ 8% lên 10,6% lưới điện hạ thế. Khối lượng lưới điện đã ngầm hóa giai đoạn 2011-2013 đạt 57,5km lưới trung thế, 97,3km lưới hạ thế và 2,7km lưới 110kV. Nhiều khu vực đạt tỷ lệ ngầm hóa cao như quận 1, 3 đạt 82%; quận 5 (75%); quận 10, 11 (57%); Phú Nhuận (60%)… Trong 31 dự án ngầm hóa đã thực hiện từ năm 2011 đến 2013, hiện còn 3 dự án chưa thu hồi được trụ điện do còn chờ các đơn vị viễn thông hoàn tất hạ ngầm dây thông tin.
Dự kiến các đơn vị viễn thông hoàn tất ngầm hóa cáp thông tin để ngành điện lực thu hồi trụ trong tháng 6-2014. Trong năm 2014 – 2015, ngành điện lực tiếp tục triển khai thực hiện 126 công trình ngầm hóa và dự kiến đến cuối 2015 thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (445/400km trung thế; 691/500km hạ thế; 11,7/9km cáp ngầm 110kV). Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND Thành phố, đánh giá các công trình ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh thêm sạch đẹp, văn minh, hiện đại và an toàn.
Phó Chủ tịch Thành phố cũng đồng ý với đề xuất thành lập Ban chỉ đạo ngầm hóa cấp thành phố để giải quyết các vướng mắc, nhằm đẩy nhanh việc phối hợp thực hiện ngầm hóa theo đúng tiến độ và yêu cầu các sở ngành, cần tích cực và nỗ lực hơn nữa trong việc cấp phép, phê duyệt các dự án về cáp, viễn thông; EVN HCMC cần tiếp tục phối hợp các đơn vị để làm tốt hơn công việc ngầm hóa. Theo chủ trương của Thành phố, trong thời gian tới các đơn vị viễn thông sẽ dùng chung hệ thống hạ tầng nhằm tiết kiệm chung cho dự án.
Ngầm hóa lưới điện góp phần tạo diện mạo mới cho cảnh quan đô thị thành phố
Trong khuôn khổ hội nghị, nhằm ghi nhận công lao của các đơn vị, thực hiện tốt trong công tác ngầm hóa lưới điện và dây thông tin, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng, cho 1 tập thể và 3 cá nhân Huân chương Lao động hạng nhì, 1 tập thể và 3 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba và 6 tập thể được tặng bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Icon.com.vn