21/04/2014 14:17:32 – views: 41
Thăm lại đường dây (ĐZ) 500 kV mạch 1, ôn lại những kỷ niệm của một thời gian nan vất vả nhưng cũng rất hào hùng của các đơn vị đã tham gia thiết kế, xây dựng và vận hành ĐZ 500kV Bắc Nam mạch 1 là nội dung của chương trình “Hành trình về với chiến trường xưa” do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tổ chức. Đây là chương trình hướng tới lễ kỷ niệm 20 năm đóng điện ĐZ 500kV Bắc Nam mạch 1, nắm bắt tình hình sau 20 năm đưa ĐZ vào vận hành và tình hình lưới điện truyền tải hiện tại.
Tham gia hành trình có các vị cựu lãnh đạo các đơn vị đã từng tham gia thiết kế, xây dựng, vận hành ĐZ thăm lại các TBA 500kV và tuyến ĐZ 500 kV mạch 1 tại 1 số vị trí quan trọng, trong đó có Đèo Hải Vân, một vị trí vô cùng khó khăn khi xây dựng ĐZ. Đoàn cũng đến tìm hiểu và chứng kiến không khí thi công công trình TBA 500kV Cầu Bông và ĐZ 500 kV PleiKu-Mỹ Phước-Cầu Bông, sự áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc thi công ĐZ 500 kV sau 20 năm phát triển hệ thống truyền tải.
Đã 20 năm trôi qua, đường dây 500kV Bắc Nam vẫn vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần rất lớn vào đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước
Huy động tổng lực
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó tổng chỉ huy công trình ĐZ 500 kV mạch 1 cho biết: Năm 1991-1992 là thời kì bắt đầu đổi mới của đất nước, lúc đó miền Bắc thừa điện, trong khi công suất lắp đặt của miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73%, miền Trung chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu. Trước tình hình đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ cho Bộ Năng lượng thiết kế ĐZ 500 kV nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ miền Bắc vào cung cấp cho miền Nam. Theo tính toán, ĐZ này dài gần 1.500 km, đi từ nhà máy thủy điện Hòa Bình, qua Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam – Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắc Lắc – Đắc Nông – Bình Dương – Đồng Nai – Phú Lâm – Sài Gòn.
Điều đáng nói là lúc đó, chỉ có 1 số nước trên thế giới sử dụng ĐZ 500kV. Chiều dài tối đa chỉ 600-700km. Điều lo ngại nhất là ĐZ dài trên 1.500 km thì điện áp cuối ĐZ sẽ tăng vọt. Vì vậy, quan trọng nhất là phải tính toán dao động tần số ¼ bước sóng, thiết kế 5 trạm bù (bù ngang, bù dọc – bù điện cảm, điện dung) sao cho tới cuối ĐZ, điện áp vẫn không thay đổi.
Mục tiêu đặt ra là phải chọn con đường ngắn nhất, đi qua rừng núi để giảm giải tỏa đền bù. Vì vậy, hướng tuyến phải bám quốc lộ 14, dọc theo dãy Trường Sơn, do đó,việc phát tuyến hành lang rất vất vả vì gặp rất nhiều cây rừng già. Nhiều người tính toán thời gian thi công sẽ không dưới 8 năm! Thế nhưng, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành trong 2 năm: khởi công năm1992, kết thúc năm 1994 để vận hành đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Giải pháp đặt ra là vừa thiết kế vừa thi công. Lực lượng thiết kế chính được giao tính toán các cột gốc, cột néo, còn cột trung gian đơn vị xây lắp phải tự tính toán. Lực lượng thi công lúc đó chỉ có 4 công ty xây lắp điện 1,2,3,4. Việc cung ứng vật liệu thi công rất khó khăn vì khi đó cả nước chỉ có 3 nhà máy xi măng là Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hà Tiên. Riêng phần cột điện có 60% nhập từ Ukraina, 40% sản xuất trong nước. Toàn bộ dây dẫn, thiết bị trạm, phụ kiện, cấp quang đều nhập từ Ukraina, Pháp, Nhật…
Các công ty xây lắp chia ra các tổng đội để giao khoán công việc, các tổng đội lại chia thành các đội, nhóm để quản lý. Hàng vạn chiến sĩ quân đội được huy động tham gia phát tuyến hành lang, chủ yếu là lực lượng Quân khu 3,4,7, Quân đoàn 3, các Binh đoàn Trường Sơn, Đắk Nông, Đắk Lắc. Bộ Công An huy động lực lượng bảo vệ, công an địa phương nào phụ trách địa bàn của địa phương đó. Bộ Tài chính phải lo phần kinh phí không được để chậm trễ công tác đền bù. Gần 7.000 lao động địa phương của các tỉnh, thành phố có ĐZ đi qua được huy động đào đất, đục đá, gùi cát sỏi, xi măng lên đinh cột. Lúc cao điểm, toàn tuyến có hàng chục vạn người tham gia. Công nhân lành nghề làm nhiệm vụ hướng dẫn kĩ thuật. Nơi nào thuận lợi có máy nổ để trộn bê tông thì cón may, nơi nào hiểm trở quá, không đưa được máy lên núi thì phải trộn bằng tay.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó tổng chỉ huy công trình ĐZ 500 kV mạch 1
Ông Trần Viết Ngãi cho biết, mặc dù phải chỉ đạo trên toàn tuyến nhưng lúc đó, Ban chỉ huy chỉ có điện thoại quay tay, tổng đài Icon đặt ở Vinh, Đà Nẵng, Phước Sơn. Máy thi công kéo dây chỉ có Công ty xây lắp điện 2 được mua 1 bộ của Nhật, các đơn vị khác nghiên cứu mẫu đó rồi tự chế tạo mấy trăm bộ để dùng.
Lúc đó, việc xây dựng ĐZ 500kV vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học và lãnh đạo vì cho rằng quá mạo hiểm. Chính phủ phải đưa hàng chục vị giáo sư, lãnh đạo lên vị trí 375 trên đèo Hải Vân để tận mắt chứng kiến việc dựng cột trên núi. Lúc đó, mọi người mới tin tưởng vào cách làm sáng tạo và dũng cảm của thợ xây lắp điện. Trên công trường, không kể thời tiết, địa hình, không kể gian nan vất vả, gần 240 người đã ngã xuống vì ĐZ. Tuy nhiên, không ai nản lòng, tất cả chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất: đảm bảo tiến độ đúng thời hạn. Thủ tướng đi giám sát thực địa thường xuyên, đơn vị nào khó khăn, ông trực tiếp bàn cách tháo gỡ, địa phương nào trục trặc đền bù, ông giao thời hạn phải hoàn thành cho chính quyền địa phương. Nhờ chính sách động viên tích cực, ‘thưởng nóng’ kịp thời nên mọi công việc đều theo đúng tiến độ. Đúng 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua ĐZ 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.
Ông Đặng Phan Tường, chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT khẳng định, giá trị kinh tế- xã hội của ĐZ mạch 1 rất to lớn. Hiện nay, ĐZ 500 kV mạch 1 do 4 công ty truyền tải quản lý vận hành Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) quản lý vận hành 955 vị trí (từ 001 đến 955), dài 406 km, từ Lào Cai đến Hà Tĩnh và các trạm biến áp 500 kV Hoà Bình, Hà Tĩnh. PTC2 quản lý vận hành 1352 vị trí (từ 955 đến 2307), dài 587 km, và Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng. PTC3 quản lý vận hành 708 vị trí (từ 2308 đến 3015), dài 314,5 km và Trạm biến áp 500 kV Pleiku. PTC4 quản lý vận hành 421 vị trí (từ 3015 đến 3436, dài 183 km và Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm.
Đã 20 năm qua, đến nay ĐZ vẫn vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần rất lớn vào đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội đất nước. Năm 2005, ĐZ 500 kV mạch 2 tiếp tục hoàn thành, giải quyết tình trạng thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và Hà Nội giai đoạn 2005-2008. Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2014, ĐZ 500 kV mạch 3 sẽ đi vào hoạt động, đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam mùa khô 2014 và những năm tiếp theo, tạo ra mạch vòng 500kV khép kín đảm bảo vận hành điện được an toàn.
Để xây dựng ĐZ 500 kV mạch 1, các đơn vị phải khảo sát khoảng 2.000 km đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc; khoan thăm dò 5.200m ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15000 mẫu đất đá; rà phá bom mìn khoảng 17.000 ha. Đào đúc và lắp dựng 3.437 cột tháp sắt; căng 1.487km dây dẫn; xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành ĐZ; đổ 280.000m3 bê-tông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện. Tổng chi phí đầu tư cho công trình là 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD), thấp hơn thấp hơn 225,59 tỷ đồng so với dự toán. Công trình đã được khấu hao toàn bộ giá trị xây dựng và quyết toán vào năm 2000
Nguồn: Icon.com.vn