Là nước có nhiều kinh nghiệm thành công về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), Australia được đánh giá là quốc gia có khung chính sách vững chắc về PPP, đặc biệt là quy trình dự thầu đối với dự án PPP rất chặt chẽ, góp phần tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho các dự án này.
Một góc của thành phố Melbourne, Australia – Ảnh: N.N
Khuyến khích cắt giảm chi phí chuẩn bị đấu thầu
Để tăng cường hiệu quả kinh tế cho các dự án PPP, trước khi thực hiện bất kỳ một dự án PPP nào, Chính phủ Australia rất khuyến khích các sáng kiến để cắt giảm chi phí chuẩn bị đấu thầu dự án PPP. Theo kinh nghiệm của Australia, việc thực hiện các sáng kiến cắt giảm chi phí này sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho dự án PPP. Chẳng hạn, một dự án PPP có giá trị vốn khoảng 250 – 300 triệu đô la Australia (AUD), nếu thực hiện các sáng kiến cắt giảm chi phí thì có thể tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu AUD (khoảng 1%), tương tự, dự án 1 tỷ AUD có thể tiết kiệm được khoảng 5 – 6 triệu AUD (0,6%); 1 dự án từ 2 tỷ AUD có thể tiết kiệm được 30 triệu AUD (1,5%)… Ông Amr J. Qari, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, các dự án PPP của Australia đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định về thời gian (thời gian dự thầu trung bình cho một dự án PPP về hạ tầng xã hội ở Australia là 17 tháng – thấp hơn nhiều so với ở Anh (34 tháng) và chỉ hơi dài hơn so với ở Canada (16 tháng). Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các dự án PPP tại Australia cũng được chuẩn hóa thông qua hợp đồng và giảm số lượng tài liệu hồ sơ cần nộp khi tham gia đấu thầu các dự án PPP.
Bên cạnh đó, để tối đa hóa hiệu quả dự án PPP, Australia cũng chuẩn bị nguồn dự án PPP lớn mạnh; thực hiện bồi hoàn một số chi phí đấu thầu bên ngoài nhất định. Và trước khi thực hiện đấu thầu dự án PPP, bao giờ Chính phủ Australia cũng lập danh sách rút ngắn 3 nhà thầu hội đủ tiêu chuẩn để thực hiện dự án đó; đồng thời tích cực thông tin về dự án và mời gọi các nhà thầu khác trong giai đoạn mời bày tỏ quan tâm và gửi hồ sơ mời thầu thông qua các buổi thuyết trình và hội thảo. Và trong quá trình đấu thầu dự án PPP, Chính phủ Australia cũng luôn tìm cách để duy trì động lực cạnh tranh càng lâu càng tốt giữa các nhà thầu theo đuổi dự án PPP trước khi xác định được nhà thầu duy nhất xứng đáng sau giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu.
Tăng cường minh bạch và công bằng
Bước đầu tiên trong Chiến lược tăng cường minh bạch và công bằng cho các dự án PPP của Australia là nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên liên quan thông qua việc văn bản hóa vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia dự án PPP như Ủy ban Đánh giá dự án PPP, giám đốc, cố vấn dự án PPP. Trong đó sẽ phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan liên quan đối với việc ủy quyền ban hành biên bản thông tin về dự án PPP, hồ sơ bày tỏ quan tâm, hồ sơ mời thầu dự án PPP; việc đánh giá hồ sơ bày tỏ quan tâm và chấm thầu; trao đổi thông tin với các bên dự thầu; tham vấn ý kiến các bộ phận khác trong Chính phủ; đảm bảo trung thực, giải quyết mọi thắc mắc nảy sinh trong quá trình đấu thầu dự án PPP.
Để thực hiện tiêu chí minh bạch trong quá trình dự thầu dự án PPP, ông Amr J. Qari cho biết, Chính phủ Australia đã thực hiện phân bổ thông tin một cách công bằng, bình đẳng. Cụ thể là Chính phủ hoặc cơ quan được ủy quyền sẽ ghi lại bằng văn bản tất cả thảo luận với các bên dự thầu, dù gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại và những thông tin sẽ được phổ biến, công khai cho tất cả các bên dự thầu. Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng thực hiện quy trình rõ ràng để đảm bảo thăm thực địa, các buổi họp phổ biến yêu cầu đối với dự án PPP, các buổi họp làm rõ và các hình thức liên hệ trực tiếp khác để các bên dự thầu đều có cơ hội tiếp nhận thông tin giống nhau về quy trình đấu thầu dự án PPP.
Trong quá trình chấm thầu, Australia cũng áp dụng các tiêu chí chấm thầu một cách nhất quán và minh bạch; đồng thời bố trí các buổi gặp để giải thích với các nhà thầu thất bại khi theo đuổi các dự án PPP. Các tài liệu liên quan đến quá trình đấu thầu dự án PPP của các nhà thầu cũng được Chính phủ Australia thực hiện theo chế độ bảo mật nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của từng đơn vị dự thầu và lợi ích thương mại của Chính phủ.